Chuẩn bị hành trang đón sóng Concentrated Liquidity (Phần 2)

Concentrated Liquidity là mô hình cung cấp thanh khoản được Uniswap triển khai trên phiên bản v3 của giao thức này. Nó hứa hẹn làm tăng hiệu quả sử dụng vốn lên gấp nhiều lần so với mô hình cũ.

Chuẩn bị hành trang đón sóng Concentrated Liquidity (Phần 2)

Xem lại Phần 1: Các kiến thức nền tảng tại đây.

Phần 2: Concentrated Liquidity

Gần đây Uniswap làm nóng thị trường Liquidity Providing bằng mô hình thanh khoản tập trung – Concentrated Liquidity hay còn gọi tắt là CLMM – Concentrated Liquidity Market Making.

Theo định nghĩa thì Thanh khoản tập trung là mô hình cho phép các nhà cung cấp thanh khoản lựa chọn vùng giá cụ thể để kích hoạt cặp thanh khoản của mình.

Nếu như với mô hình truyền thống cặp thanh khoản X:Y mà người dùng thêm sẽ được hoà vào Pool và sử dụng ở bất cứ vùng giá nào từ (0 – ∞). Thì bây giờ, LP có thể xác định vùng giá mà tài sản của mình sẽ được sử dụng.

LP có thể lựa chọn cung cấp thanh khoản trong một vùng giá xác định. Nguồn: Uniswap

Để giải thích cho mô hình CLMM chúng ta sẽ tiếp tục quay lại với ví dụ thị trường trứng gà ban đầu.

Vẫn là giỏ trứng và tiền, nhưng thay vì cho trứng gà và tiền lẫn lộn với nhau vào trong giỏ, lần này Adams đưa cho bạn nhiều túi nhỏ. Bạn sẽ bỏ trứng và tiền vào từng túi nhỏ theo ý muốn, sau đó mới đặt từng chiếc túi nhỏ vào trong giỏ lớn. Trên chiếc túi nhỏ đó có gắn nhãn vùng giá, ví dụ [1.000đ – 3.000đ], báo hiệu cho Adams biết rằng chỉ được sử dụng số trứng và tiền trong túi này khi giá trứng gà nằm trong khoảng 1.000đ – 3.000đ/quả.

Ở chiều ngược lại, bạn cũng sẽ chỉ được nhận về số lượng cổ phần và phí giao dịch tương ứng với vùng giá [1.000đ – 3.000đ]. Nếu giá di chuyển ra ngoài vùng này, tài sản của bạn sẽ không được sử dụng và sẽ không được chia phí của những giao dịch ngoài vùng đó.

Điều này làm bạn cần động não nhiều hơn trong chiến lược phân bổ trứng và tiền vào các túi nhỏ và ghi giá nhãn là bao nhiêu cho mỗi túi.

Có thể bạn sẽ thích phân bổ vào vùng giá trứng gà thường xuyên dao động là [1.000đ – 3.000đ/quả], nhưng đồng nghĩa với sự cạnh tranh và bị chia sẻ doanh thu với những người khác. Hoặc bạn cũng có thể chọn ghi nhãn giá từ [3.000đ – 5.000đ/quả] khi dự đoán sắp tới giá trứng gà sẽ tăng lên, nơi đó có ít người cung cấp thanh khoản, bạn sẽ ít bị chia sẻ phí với người khác hơn.

Việc chỉ cung cấp thanh khoản tập trung tại một vùng giá có ý nghĩa gì?

Đó chính là tính thanh khoản.

Trên thực tế, trong một khung thời gian nhất định giá thường chỉ chạy trong một khoảng nhất định, nên việc phân bổ trải dài từ (0 – ∞) sẽ khiến phần lớn thanh khoản nằm trong tình trạng nhàn rỗi từ đó dẫn tới hiệu suất sử dụng vốn kém.

Vì vậy, CLMM trao cho các LP quyền quyết định thời gian nào phân bổ vốn tại vùng nào để tăng tính hiệu quả cho việc sử dụng vốn. Sau này các dự án có thể tăng incentives cho một vùng nào đó để thu hút thanh khoản cho vùng đó.

Các LP được quyền lựa chọn vùng giá muốn cung cấp thanh khoản. Nguồn: Uniswap

Như bạn đã biết tính thanh khoản ảnh hưởng tới mức độ trượt giá, hay mức độ biến động của giá khi xảy ra giao dịch. Khối lượng giao dịch càng lớn so với hằng số k, độ biến động của giá càng lớn.

Concentrated Liquidity giải quyết vấn đề này bằng cách giảm phân bổ thanh khoản cho các vùng giá rìa biên, tập trung đẩy cao thanh khoản tại các vùng giá thường xuyên giao dịch. Như vậy, hằng số k tại khu vực tập trung thanh khoản sẽ được đẩy lên rất cao, từ đó những lệnh giao dịch đã từng là lớn đối với mô hình cung cấp thanh khoản cũ sẽ trở nên nhỏ hơn khi so với hằng số k. Khi đó, mức độ biến động giá sẽ giảm xuống rất nhiều, và cần rất nhiều lệnh lớn một chiều mới đẩy giá chạy thoát ra khỏi phạm vi thanh khoản tập trung so với mô hình cũ.

Phân bổ thanh khoản trong mô hình truyền thống và Concentrated Liquidity

Dĩ nhiên, sự tập trung vào vùng nào là do các LP quyết định theo chiến lược của họ.

Ví dụ, đối với cặp USDC/USDT, nếu các LP đồng sức đồng lòng cung cấp thanh khoản tập trung tại vùng [1,3 – 1,5] thay vì [0,9 – 1,1] thì nhiều khả năng giá USDC sẽ nhanh chóng chạy ra khỏi vùng 1 USDT và ổn định quanh mốc [1,3 – 1,5].

Bạn có thể thấy Concentrated Liquidity biến các LP thành những Market Maker thực thụ.

Trên lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tế, nếu giá USDC/USDT là 1,5 thì các nhà đầu tư lanh lợi sẽ mang USDT ở những nguồn khác về pool [1,3 – 1,5] để swap lấy USDC kiếm lời, từ đó kéo giá của nó về với mốc thực tế đúng theo cung cầu.

Lợi ích và hạn chế của mô hình Concentrated Liquidity

Lợi ích

Mô hình Concentrated Liquidity giúp:

 

  • Tăng tính thanh khoản cho cặp giao dịch;
  • Giảm thiểu mức độ trượt giá cho các Trader;
  • Tăng hiệu quả sử dụng vốn cho LP;
  • Mở ra các chiến lược cung cấp thanh khoản riêng phù hợp với mỗi LP;
  • Thanh khoản lớn là tiền đề để khai thác các sản phẩm DeFi khác như Derivatives một cách hiệu quả hơn.

Hạn chế

Nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại những hạn chế với mô hình này:

 

  • Đầu tiên, tương tự như mô hình cung cấp thanh khoản truyền thống, Impermanent loss là điều không thể tránh khỏi;
  • Không phù hợp với những dự án có độ biến động giá lớn trong thời gian ngắn;
  • Yêu cầu các LP phải động não và có chiến lược cụ thể hơn.

Một số dự án nổi bật với mô hình Concentrated Liquidity

Concentrated Liquidity là cải tiến đáng chú ý cho thị trường DeFi, dẫn đầu bởi Uniswap v3 và được các DEX lớn tiếp bước như PancakeSwap v3, SushiSwap v3.

Sự phát triển của Concentrated Liquidity cũng sẽ kéo theo sự phát triển của các dự án thuộc mảng quản lý thanh khoản – Liquidity Manager.

Sau đây là một số dự án có TVL cao thuộc mảng này: Arrakis Finance, Gamma Strategies, Bunni, Kamino, DefiEdge, Unipilot (theo dữ liệu từ DefiLlama).

Tổng kết

Hy vọng thông qua câu chuyện nông trại và thị trường trứng gà các bạn đã hiểu được mô hình hoạt động và sự phát triển của các AMM hiện nay. Mỗi giải pháp mới ra đời đều có những ưu nhược điểm riêng, chúng cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả và sự phù hợp với thị trường.